Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Làm gì khi Firefox 3 “trở chứng”?

Ngoài việc thiết lập kỷ lục “phần mềm được nhiều người download nhất” với hơn 8 triệu lượt download trong 24 giờ đầu sau khi được phát hành, Firefox 3 còn được giới chuyên môn đánh giá là “trình duyệt tinh vi của ngày mai” và làm vừa lòng những người dùng “khó tính” trên thế giới nhờ có nhiều tính năng ưu việt, hữu ích. Mặc dù vậy, trong quá trình sử dụng, người dùng vẫn có những lúc gặp phải trường hợp Firefox 3 phát sinh những trục trặc, gặp lỗi, hoạt động không ổn định, thường bị treo, bị thoát giữa chừng…, nhất là khi trình duyệt đã được sử dụng một thời gian dài hoặc được cài thêm nhiều plug-in, extension… Khi đó, bạn hãy thử lần lượt tiến hành theo các bước dưới đây nhằm tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.

Bước 1: Mỗi khi Firefox gặp sự cố, nếu người dùng nhấn nút Submit tại hộp thoại báo lỗi, lỗi này sẽ được gửi về cho Mozilla. Bạn mở Firefox, gõ dòng lệnh about:crashes vào thanh địa chỉ, rồi nhấn Enter, sẽ thấy hiện danh sách lỗi và thời gian bị lỗi. Bạn nhấn chuột vào lỗi tương ứng để xem mô tả và cách khắc phục.

Bạn có thể tham khảo các lỗi thường xảy ra với Firefox mà người dùng đã thông báo tại địa chỉ http://tinyurl.com/pctips0899 hay tra cứu một số lỗi thường gặp và cách khắc phục tại địa chỉ http://tinyurl.com/pctips0902.

Bước 2: Bạn kiểm tra xem lỗi có xảy ra sau một tác vụ nào đó như: cài add-on cho Firefox, phần mềm trong Windows, thay đổi thiết lập trong Firefox, Windows… Nếu có, bạn hãy loại bỏ những tác nhân này, khởi động lại Firefox để xem còn gặp lỗi hay không.

Bước 3: Bạn khởi động lại máy tính. Nếu mở lại Firefox, vẫn gặp lỗi, nhiều khả năng nguyên nhân từ Firefox (nhưng cũng chưa loại trừ do Windows hoặc do xung đột với các phần mềm khác), bạn tiếp tục thực hiện bước 4.

Bước 4: Bạn sao lưu những thông tin quan trọng như các thiết lập, bookmark, mail, contact, history, extensions, cache… bằng cách sử dụng phần mềm MozBackup, tải tại http://tinyurl.com/pctips0901 ...

Sau đó, bạn vào menu Tools > chọn Options > chọn Advanced > chọn Network, nhấn nút Clear Now trong mục Offline Storage. Sau đó, bạn vào menu Tools > chọn những mục cache không cần thiết rồi nhấn nút Clear Private Data Now để xóa.

Bước 6: Bạn đóng tất cả cửa sổ Firefox rồi mở lại Firefox ở chế độ an toàn từ menu Start > Mozilla Firefox > Mozilla Firefox (Safe Mode). Trong hộp thoại Firefox Safe Mode, bạn nhấn nút Continue in Safe Mode. Nếu Firefox chạy trơn tru ở chế độ an toàn chứng tỏ lỗi có thể do các thiết lập của người dùng, themes, extension, hoặc profile, bạn thực hiện bước 7. Nếu ở chế độ an toàn vẫn gặp lỗi thì lỗi có thể do profile hoặc nguyên nhân khác, bạn nhảy đến bước 10.

Bước 7: Bạn chạy Firefox ở chế độ an toàn lần nữa và tại Firefox Safe Mode, bạn đánh dấu kiểm ở dòng Reset toolbars and controls Reset all user preferences to Firefox default để loại bỏ mọi thiết lập của người dùng rồi nhấn nút Make Changes and Restart. Nếu khởi động lại Firefox vẫn còn lỗi thì tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.

Bước 8: Thực hiện bước này khi bạn đang sử dụng theme cài đặt thêm. Bạn vào menu Tools > chọn Add-ons rồi chọn thẻ Themes. Tại đây, bạn chọn lại theme mặc định (Default 3.0) và nhấn nút Use Theme. Nếu khởi động lại Firefox hết lỗi thì bạn loại bỏ theme gây lỗi.

Bước 9: Bạn mở hộp thoại Add-ons, chọn thẻ Extensions. Đầu tiên, bạn tắt toàn bộ các extension bằng cách lần lượt chọn từng extension rồi nhấn nút Disable. Tiếp theo, bạn cho từng extension hoạt động trở lại (nhấn nút Enable) và kiểm tra xem extension này có gây ra lỗi hay không. Với extension gây lỗi, bạn cần cập nhật phiên bản mới nhất hoặc loại bỏ nó.

Bước 10: Nếu không tìm thấy lỗi từ các thiết lập cá nhân (bước 7), theme (bước 8), extension (bước 9), có thể lỗi do profile. Bạn nên tạo một profile mới từ Profile Manager. Bạn đóng Firefox rồi thực hiện dòng lệnh firefox.exe -profilemanager từ hộp thoại Run để truy cập trình Profile Manger. Trong Firefox – Choose User Profile, bạn nhấn nút Create Profile. Nếu profile mới hoạt động trơn tru, chứng tỏ lỗi từ profile cũ. Bây giờ, bạn sử dụng profile mới và thiết lập Firefox với những thông tin, dữ liệu đã backup ở bước 4. Nếu sử dụng profile mới mà vẫn bị lỗi, bạn thực hiện bước 11.

Bước 11: Bạn mở hộp thoại Add-ons, chọn thẻ Plugins. Bạn thực hiện tương tự như với các extension (bước 9) để tìm plug-in gây lỗi (nếu có) và gỡ bỏ đi.

Bước 12: Bạn kiểm tra một số nguyên nhân thường gặp (không do bản thân Firefox) có thể khiến trình duyệt hoạt động không ổn định như: kiểm tra virus, spyware và malware; kiểm tra tường lửa hay những chương trình bảo mật để đảm bảo Firefox không nằm trong danh sách bị chặn truy cập Internet.

Những chương trình chặn quảng cáo, tăng tốc duyệt Web, chống virus… có thể đụng với Firefox. Bạn tạm thời tắt từng chương trình đang chạy để kiểm tra.

Bước 13: Bước cuối cùng là gỡ bỏ hoàn toàn chương trình Firefox đang sử dụng và cài đặt lại Firefox phiên bản mới nhất được download tại trang chủ www.mozilla.com (không nên download từ trang Web khác).

Bạn phải gỡ bỏ hoàn toàn mọi thông tin cũ của Firefox bằng cách đánh dấu kiểm ở dòng Remove my Firefox personal data and customization trong hộp thoại Mozilla Firefox Uninstall, bạn cũng nên xóa luôn thư mục plug-in của Firefox (thường là C:\Program Files\Mozilla Firefox\plugins).

NGÔ BẢO KHOA (TP.HCM)

Dùng đĩa CD "cứu hộ" để "trị" virus

Các đĩa CD "cứu hộ" diệt virus là công cụ hữu ích và quan trọng mà bạn nên có. Mỗi khi máy tính bị nhiễm virus, spyware…, việc sử dụng các đĩa CD này là một trong những phương pháp bạn có thể sử dụng để "điều trị" cho máy tính. Bạn chỉ việc khởi động máy tính bằng đĩa CD và sử dụng phần mềm diệt virus kèm theo. Phương pháp này đặc biệt hữu ích khi virus khiến cho máy tính trở nên nặng nề, chậm chạp, hoạt động không ổn định, hoặc khi virus làm cho quá trình khởi động từ đĩa cứng thật lâu, đôi lúc không đăng nhập được vào Windows, kể cả Safe Mode…Hơn nữa, việc khởi động vào hệ điều hành đang bị nhiễm (virus vẫn có thể hoạt động) và sử dụng phần mềm diệt virus có trong đó là không an toàn. Những khi đó, việc có sẵn các đĩa CD "cứu hộ" giúp bạn có một công cụ để "cứu" máy tính của mình và ngăn chặn nguy cơ "sinh sôi nảy nở" của virus, bởi vì khởi động từ đĩa CD khiến cho virus đang nhiễm không hoạt động được. Ngoài chương trình diệt virus, các đĩa CD "cứu hộ" cũng cung cấp những công cụ cần thiết để bạn có thể xoay xở trong việc "điều trị" cho máy tính. Bài viết sau giới thiệu đến bạn 5 đĩa CD "cứu hộ" hoàn toàn miễn phí của 5 phần mềm diệt virus phổ biến và mạnh mẽ. Bạn có thể sử dụng bất cứ đĩa CD nào trong số đó.

1. Dr.Web LiveCD

Đầu tiên, bạn tải miễn phí file iso của CD này tại địa chỉ ftp://ftp.drweb.com/pub/drweb/livecd/ (tên file có dạng minDrWebLiveCD-4.44.0.XXXXXXX.iso, dung lượng khoảng 66 MB). Hiện tại, phiên bản mới nhất cập nhật vào ngày 19/11/2008. Sau đó, bạn dùng phần mềm ghi đĩa CD để tạo đĩa CD từ file iso.

Dr.Web LiveCD cung cấp 4 chế độ khởi động là chế độ Normal (có giao diện đồ họa đẹp mắt và dễ sử dụng), Safe Mode (dùng dòng lệnh), Safe Mode vô hiệu ACPI (dùng dòng lệnh và để loại bỏ lỗi ACPI), Local HDD (khởi động từ đĩa cứng). Sau khi khởi động bằng đĩa CD, bạn có thể cập nhật dữ liệu virus, quét và diệt virus, sử dụng các công cụ khác được cung cấp sẵn. Bạn có thể tham khảo thêm tài liệu hướng dẫn kèm theo cũng tại địa chỉ trên.

Nếu chưa từng nghe về Dr.Web và sự "lợi hại" của nó, bạn vào địa chỉ http://www.anti-malware-test.com/?q=node/56 để tìm hiểu. Đây là kết quả kiểm tra các chương trình anti-virus vào tháng 10/2008 của Anti-Malware Test Lab. Kết quả cho thấy Dr.Web Anti-Virus 4.44 đạt giải quán quân với kết quả hoàn hảo 100%, Kaspersky Anti-Virus 2009 và Avast! Professional Edition 4.8 về hạng nhì, trong khi Eset NOD32 Antivirus 3.0 hoàn toàn thất bại với kết quả đạt được là 0%.

res.jpg picture by minah2710

2. Kaspersky Rescue Disk

Bạn tải miễn phí file iso của CD này tại địa chỉ http://dnl-eu10.kaspersky-labs.com/devbuilds/RescueDisk/ (dung lượng khoảng 95 MB) rồi tiến hành tạo đĩa CD. Hiện tại, phiên bản mới nhất cập nhật vào ngày 27/11/2008. Sau khi khởi động, chương trình diệt virus Kaspersky Anti-Virus 2009 sẽ được gọi và bạn chỉ việc chọn ổ đĩa cần kiểm tra rồi nhấn nút Start scan. Kaspersky hoạt động rất tốt trong việc phát hiện virus, tuy nhiên nó không được cập nhật thường xuyên và không thể tự động cập nhật.

resge004.jpg picture by minah2710

3. Avira AntiVir Rescue System CD

Bạn tải miễn phí file rescuecd.exe từ địa chỉ http://dl.antivir.de/down/vdf/rescuecd/rescuecd.exe (dung lượng khoảng 46 MB). Bạn gọi thực hiện file exe vừa tải về và tiến hành theo hướng dẫn để tạo đĩa CD. Khi khởi động, bạn có thể chọn 1 trong 2 chế độ là khởi động từ đĩa cứng hoặc từ đĩa CD. Nếu khởi động từ đĩa CD, bạn chọn thao tác muốn thực hiện tại menu chính như quét virus (chọn scan), cập nhật dữ liệu virus (chọn update)… Một đặc điểm khá hay của Avira là nguồn dữ liệu về virus luôn được cập nhật nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, file cập nhật có định dạng vdf cần được chép vào ổ đĩa khác chứ không thể chép lên đĩa CD.

resge006.jpg picture by minah2710

4. BitDefender Rescue CD

Tương tự trên, bạn cũng tạo đĩa CD từ file iso tải tại địa chỉ http://download.bitdefender.com/rescue_cd/ (khoảng 227 MB). Hiện tại, phiên bản mới nhất cập nhật vào ngày 27/8/2008. Khi khởi động bằng đĩa CD, BitDefender sẽ tự động cập nhật danh sách virus qua kết nối internet. Khả năng linh hoạt trong việc cập nhật dữ liệu là một ưu điểm của đĩa "cứu hộ" BitDefender so với các đĩa khác có cùng chức năng. Bạn phải chờ khoảng 10 phút để việc cập nhật hoàn tất. Nếu bạn thấy thời gian này quá lâu và đèn tín hiệu của modem/router không nhấp nháy, bạn nên khởi động lại máy tính bằng đĩa CD, thử lại một lần nữa. Khi quá trình cập nhật dữ liệu hoàn tất là đến phiên làm việc của chương trình BitDefender Antimalware Scan. Bạn chỉ việc nhấn nút Start để chương trình bắt đầu quét virus trên đĩa cứng. Ngoài ra, còn có những ứng dụng hữu ích khác trên BitDefender Rescue CD như ChkRootkit, Nessus Network Scanner, Mozilla Firefox, Partition Image, GtkRecover…

resge008.jpg picture by minah2710

5. F-Secure Rescue CD 3.00

Bạn tải về file zip từ địa chỉ http://www.f-secure.com/linux-weblog/files/f-secure-rescue-cd-release-3.00.zip (khoảng 152 MB). Trong file zip này có file iso để tạo đĩa CD và file pdf hướng dẫn sử dụng F-Secure Rescue CD. Sau khi khởi động từ đĩa CD, bạn nhấn phím Enter (nếu không nhấn Enter thì sau 15 giây sẽ khởi động từ đĩa cứng) để chương trình tiến hành cập nhật dữ liệu (máy tính phải có kết nối internet). Sau đó, bạn chọn ổ đĩa cần quét và nhấn nút Star Scan để bắt đầu.

Nếu máy tính bị nhiễm không kết nối được internet để cập nhật danh sách virus, bạn có thể tải file dữ liệu virus tại địa chỉ http://download.f-secure.com/latest/fsdbupdate.run (khoảng 40 MB) từ một máy tính sạch và chép nó vào thư mục gốc của một đĩa USB. Đĩa USB này phải trống hoàn toàn và có dung lượng tối thiểu 256 MB. Bạn cắm đĩa USB này vào máy tính bị nhiễm, khởi động bằng đĩa F-Secure Rescue và tiến hành thao tác như bình thường.

Ngô Bảo Khoa
Đăng trên PC Tips 45 ra ngày 25/12/2008

Quản lý email với Yahoo! Zimbra Desktop hay MS Outlook 2007 ?

Người dùng đã quá quen thuộc với những trình duyệt mail như Outlook Express, Microsoft Outlook, Internet Mail, Mozilla Thunderbird… Và nay, với việc Yahoo! vừa tung ra phiên bản Yahoo! Zimbra Desktop beta 3 (YZD) (tải tại http://www.zimbra.com/products/desktop.html, dung lượng khoảng 49 MB), người dùng có thêm một sự lựa chọn. Nên sử dụng YZD hay các ứng dụng nêu trên làm trình duyệt mail mặc định? Bài viết sau so sánh một số tính năng chính của YZD và MS Outlook 2007 (MO), ứng dụng nổi tiếng, phổ biến của Microsoft, nhằm giúp bạn đọc lựa chọn được trình duyệt mail thích hợp với nhu cầu sử dụng của mình.

YZDge002.jpg picture by minah2710

YZDge004.jpg picture by minah2710

Giao diện MO mang phong cách bóng bảy của Windows Vista, đẹp mắt, ấn tượng. Tuy nhiên, người dùng không thể thay đổi giao diện này mà chỉ có thể thay đổi màu sắc với ba màu xanh nước biển, xám bạc và đen. Trong khi đó, YZD thiết kế giao diện tương tự webmail và cho phép thay đổi theme với 11 theme đẹp mắt cung cấp sẵn.

Các chức năng được YZD sắp xếp theo nhóm và gói gọn thành 7 tab, trong mỗi tab là các menu lệnh tương ứng, sử dụng rất dễ dàng. Trong MO, các chức năng được sắp xếp trong thanh menu và chỉ tạo nhóm cho một số chức năng chính. Menu dải băng, điểm mới của MS Office 2007 được đưa vào trình soạn thảo của MO. Dù có quen thuộc với MS Office đi nữa thì phần lớn người dùng vẫn thấy khó sử dụng MO hơn YZD.

Cài đặt hộp thư POP/IMAP trong YZD và MO tương đối dễ dàng. Đặc biệt, các dịch vụ mail phổ biến như Yahoo, Gmail, AOL… đều được cấu hình sẵn cho việc kết nối, người dùng không cần khai báo gì nhiều. YZD còn cho phép tạo kết nối hộp thư Yahoo US (mặc dù hộp thư này không hỗ trợ POP3 cho dịch vụ miễn phí) và quản lý các hộp thư Yahoo (@yahoo.com, @ymail.com, @rocketmail.com). YZD không giới hạn dung lượng hộp thư, trong khi MO làm việc với hộp thư không quá 2GB. Ngoài ra, khi có nhiều tài khoản, YZD quản lý tốt hơn và xử lý nhanh hơn.

YZD và MO hỗ trợ tốt và đầy đủ tính năng cần thiết trong việc thao tác với email như soạn thảo, trả lời, gửi, nhận email, tự động trả lời, đánh dấu, tạo chữ ký… Trình soạn thảo của cả hai tuyệt vời, cho phép người dùng dễ dàng soạn thảo các tài liệu văn bản, bảng tính, hình ảnh. Với ưu thế là một thành phần trong bộ MS Office 2007, MO thừa hưởng nhiều tính năng hữu ích cho trình soạn thảo và có khả năng tương tác với các ứng dụng của bộ MS Office 2007 như Word, Excel, Power Point…

YZD và MO có khả năng chặn hình ảnh, thư rác tốt. Bộ lọc mail của YZD ít tùy chọn hơn MO, nhưng lại dễ dàng hơn cho người dùng trong việc tạo quy tắc lọc thư cho những nhu cầu thông dụng. Bộ máy tìm kiếm của YZD mạnh mẽ, có thể quét nhanh chóng và lấy ra nội dung cần thiết. MO tìm kiếm cũng tốt, nhưng lại không tìm kiếm trong những thư mục con của Inbox.

Các tính năng như Address book, Contact (danh sách bạn bè), Task (tác vụ thực hiện), Calendar (lịch) của YZD và MO đều hữu ích. Các tính năng này trong MO được thiết kế phục vụ khá nhiều cho công việc của giới kinh doanh, văn phòng. Riêng Calendar của YZD còn hỗ trợ các chuẩn iCal của Apple. Ngoài ra, YZD có một tính năng độc đáo là Briefcase, cho phép lưu dữ liệu lên máy chủ và truy xuất trực tiếp. Nhờ đó, thay vì giữ lại các tập tin đính kèm trong email, người dùng có thể chuyển chúng vào Zimbra Briefcase và dễ dàng sử dụng ở bất kỳ nơi đâu.

YZD cung cấp nhiều tính năng hữu ích phục vụ cho truyền thông và giao tiếp qua sự tương tác với các dịch vụ web như đa nhiệm với nhiều dịch vụ (chẳng hạn tra cứu thông tin, theo dõi lịch hẹn ngay trong email), hiển thị địa chỉ giống trong Yahoo! Maps, tự động xác định vị trí và địa diểm yêu thích với Yahoo! Local, hiển thị hình ảnh xem trước của một trang web, tìm kiếm trên internet với Yahoo!... Còn MO thì có thể tương tác với những dịch vụ hỗ trợ cho bộ MS Office như Clip Art, Templates...

Bảng so sánh

Tính năng

Yahoo! Zimbra Desktop

MS Outlook 2007

Hệ điều hành

Windows, Mac, Linux

Windows

Phát hành

Qua internet

Trong bộ MS Office 2007

Giá

Miễn phí

Tùy theo giá bộ MS Office 2007

Giao diện

Khá đẹp, 11 theme khác nhau

Đẹp, thay đổi 3 màu khác nhau

Sắp xếp chức năng

Theo tab, dễ sử dụng

Tương tự MS Office, khó sử dụng

hơn Zimbra

Giao thức hỗ trợ

POP3, SMTP, IMAP4, RSS

POP3, SMTP, IMAP4, RSS

Cấu hình cho việc kết nối

Dễ dàng, hỗ trợ các hộp thư POP/IMAP và cả Yahoo (US)

Dễ dàng, hỗ trợ các hộp thư POP/IMAP

Quản lý tài khoản

Không giới hạn dung lượng hộp thư, quản lý nhiều tài khoản tốt hơn MO

Dung lượng hộp thư không quá 2GB, xử lý chậm khi quản lý nhiều tài khoản

Thao tác với email

Tốt, đầy đủ tính năng

Tốt, đầy đủ tính năng

Trình soạn thảo

Tốt

Tốt, nhiều tính năng hơn YZD

Chặn hình ảnh và thư rác

Tốt

Tốt

Bộ lọc mail

Tốt, ít tùy chọn hơn MO nhưng người dùng dễ sử dụng

Tốt, nhiều tùy chọn, khó chọn lựa

Tìm kiếm

Tốt, nhanh

Khá tốt, nhanh

Contact

Tốt

Tốt, nhiều tính năng hỗ trợ giới văn phòng và kinh doanh

Task

Tốt

Tốt, nhiều tính năng hỗ trợ giới văn phòng và kinh doanh

Calendar

Tốt, hỗ trợ iCal

Tốt

Briefcase

Có, hữu ích

Không

Ngôn ngữ lập trình

Không

Có (VBA)

Tương tác dịch vụ web

Nhiều tính năng

Các dịch vụ hỗ trợ cho bộ MS Office 2007

Kết luận

Cả YZD và MO đều là những trình duyệt mail chất lượng, hữu ích. YZD cung cấp một số tính năng mà MO không có, tùy biến dễ dàng theo nhu cầu người dùng, có khả năng quản lý nhiều tài khoản, tương tác linh hoạt với máy chủ hộp thư và các dịch vụ web, sử dụng ưu thế trong môi trường internet. MO, qua mối liên thông với các công cụ trong bộ MS Office 2007, hỗ trợ rất nhiều cho quá trình làm việc và giao dịch của giới văn phòng, kinh doanh.

Ngô Bảo Khoa
PC Tips 31

Tạo ảnh nghệ thuật Mosaic với Easy Mosaic

Mosaic là tên gọi nghệ thuật tạo một ảnh lớn từ những ảnh nhỏ ghép lại. Từng phần trong ảnh lớn (gọi là cell) được thay bằng ảnh nhỏ. Ảnh nhỏ phải có màu sắc chủ đạo giống với phần ảnh nó thay thế. Như vậy, nhìn chi tiết ảnh Mosaic thấy những ảnh nhỏ còn khi nhìn tổng thể thì thấy ảnh lớn. Tác phẩm Mosaic chắc chắn sẽ khiến bạn càm thấy thích thú trước tính nghệ thuật và độc đáo của nó.

Easy Mosaic (trang chủ http://www.ezmosaic.com/) là một phần mềm chất lượng giúp tạo ra dễ dàng và nhanh chóng những tác phẩm Mosaic đẹp mắt với hình ảnh bất kỳ do người dùng cung cấp. Easy Mosaic có 4 phiên bản: Free Trial (miễn phí, sử dụng được 20 ngày), Home (giá 35 USD), Professional (giá 99 USD), Commercial (giá 149 USD). Bạn xem chi tiết chức năng được cung cấp trong mỗi phiên bản tại địa chỉ http://www.ezmosaic.com/edition.html, đăng ký mua tại địa chỉ http://www.ezmosaic.com/buynow.html, tải miễn phí phiên bản dùng thử tại địa chỉ http://www.ezmosaic.com/download/ezmosaic2005v12.exe (7,2 MB). Easy Mosaic tương thích với mọi Windows, cần tối thiểu 32 MB bộ nhớ để hoạt động (kích thước ảnh Mosaic tạo ra càng lớn thì cần dung lượng bộ nhớ càng nhiều).

Thư viện hình ảnh

Để tạo được ảnh nghệ thuật Mosaic đẹp mắt trước hết cần có một thư viện hình ảnh phong phú và đa dạng về màu sắc chủ đạo. Easy Mosaic cung cấp sẵn hơn hai trăm ảnh như vậy và sẽ nạp chúng vào thư viện ở lần đầu tiên được gọi. Sau này, bạn có thể vào menu Image Lib, mở cửa sổ Cell Image Lib Manager (hình 1) để thiết kế thư viện hình ảnh cho ảnh Mosaic sắp tạo. Bạn nạp thêm ảnh (nhấn nút Add Picture) hoặc bỏ bớt ảnh (nhấn nút Delete Picture) theo ý thích của mình. Những ảnh nạp vào thư viện không nên có kích thước quá lớn và có nhiều chi tiết vì nhìn chúng sẽ không được rõ nét khi thể hiện trong ảnh Mosaic. Ngoài ra, tại địa chỉ http://www.ezmosaic.com/download.html, Easy Mosaic còn cung cấp thêm nhiều bộ hình ảnh (mỗi bộ có khoảng 200 ảnh). Bạn có thể tải chúng về từ địa chỉ trên và thêm vào thư viện. Thư viện càng có nhiều hình ảnh thì chương trình càng có nhiều lựa chọn hình ảnh phù hợp để tạo ảnh Mosaic.

Mosge002.jpg picture by minah2710
Hình 1

Sau khi tạo được thư viện hình ảnh ưng ý, bạn nhấn nút Save Image List để lưu lại danh sách hình ảnh này nhằm sử dụng về sau (nhấn nút Load Image List để nạp danh sách). Bạn nhấn nút Set as Default nếu muốn thư viện hình ảnh hiện tại là thư viện mặc định, sẽ được sử dụng mỗi khi tiến hành tạo ảnh Mosaic. Bạn nhấn nút Restore Default để nạp sử dụng thư viện hình ảnh mặc định.

Bạn đánh dấu kiểm ở dòng "Show Cell Info" nếu muốn theo dõi kết quả phân tích của chương trình trên ảnh, biết được màu sắc chủ đạo của mỗi phần tư ảnh.

Tạo ảnh Mosaic

Để tiến hành tạo ảnh Mosaic, bạn vào menu Project\ New Project. Cửa sổ New Project mở ra có 4 thẻ Main Image, Mosaic Size, Project Options, Final Check & Output (hình 2). Bạn lần lượt thao tác với các thẻ này.

- Tại thẻ Main Image, bạn nhấn nút Load Main Image hoặc nhấn đúp chuột vào vùng trống có dòng chữ "Double Click to Load Main Image" để nạp vào ảnh chính dùng tạo ảnh Mosaic. Ảnh chính không nên có nhiều vùng diện tích lớn có màu nền trắng hoặc đen và cũng không nên có quá nhiều chi tiết vì những điều này khiến ảnh Mosaic tạo ra không được đẹp mắt và độ chính xác của ảnh không cao.

- Tại thẻ Mosaic Size, bạn cho biết số lượng cell theo chiều ngang và chiều dọc, kích thước của cell, từ đó chương trình tính toán ra kích thước ảnh Mosaic, dung lượng bộ nhớ cần thiết để tạo ảnh… Càng nhiều cell thì ảnh Mosaic đạt chất lượng tốt hơn và giữ được nhiều chi tiết của ảnh chính. Cell có kích thước lớn cũng giúp ảnh Mosaic sắc nét hơn và thấy rõ ảnh cell hơn. Tuy nhiên, việc có nhiều cell và kích thước cell lớn sẽ tăng kích thước của ảnh Mosaic. Bạn cần thiết lập sao cho có sự cân bằng giữa 3 giá trị này. Bạn nhấn nút Pattern Preview để xem trước sự phân chia cell nhằm thiết lập các trị số cho phù hợp.

- Tại thẻ Project Options (hình 2), bạn chọn Self Mosaic nếu muốn chương trình sử dụng ảnh chính làm ảnh cell, còn chọn Standard Render sẽ sử dụng hình ảnh trong thư viện làm ảnh cell. Các tùy chọn Loom stitch, Peyote Stitch, Brick Stitch là các cách sắp xếp cell thẳng hàng hay so le theo chiều ngang, chiều dọc.

Mosge004.jpg picture by minah2710
Hình 2

- Cuối cùng, tại thẻ Final Check & Output, bạn nhấn nút Create Photo Mosaic để tiến hành tạo ảnh Mosaic. Nếu bạn nhấn nút Mosaic Pen Mode, chương trình sẽ không tạo ảnh Mosaic mà đưa ra bức ảnh chính để người dùng tự chọn lựa ảnh cell và tạo các cell có kích thước khác nhau (xem cách chỉnh sửa ảnh Mosaic và sử dụng chế độ Free Pen Mode ở phần sau).

Chỉnh sửa ảnh Mosaic

Sau khi tạo ảnh Mosaic, chương trình hiển thị ảnh và mở cửa sổ OverView (muốn mở cửa sổ OverView, bạn vào menu Tools\ OverView) để người dùng tự chỉnh sửa ảnh (hình 3). Bạn di chuyển ảnh Mosaic bằng cách nhấn chuột phải trên ảnh, giữ chuột và di chuyển. Cửa sổ Overview cho biết đang hiển thị vùng nào của ảnh Mosaic.

Mosge006.jpg picture by minah2710
Hình 3

Trên thanh công cụ có các nút Info, Edit I, Edit II. Nếu nút Info đang được chọn, khi bạn nhấn chuột trái lên cell nào sẽ mở cửa sổ Cell Info cung cấp thông tin về ảnh đó. Khi nút Edit I đang được chọn, bạn nhấn chuột trái lên cell, chương trình thay đổi ảnh cell bằng ảnh khác. Khi nút Edit II đang được chọn, bạn nhấn chuột trái trên cell cũng thay đổi ảnh trong cell đó, tuy nhiên ảnh thay thế sẽ do bạn xác định. Cửa sổ PickCell (hình 4) phân tích màu sắc ảnh cũ và các ảnh trong thư viện để bạn có thể lựa chọn ảnh thay thế phù hợp.

Mosge008.jpg picture by minah2710
Hình 4

Chế độ Free Pen Mode (nhấn nút Free Cell Pen trên thanh công cụ) cho phép tạo những cell có kích thước bất kỳ. Sau khi kích hoạt chế độ trên, bạn dùng chuột trái xác định trên ảnh chính các cell với kích thước theo ý bạn (nhấn giữ chuột và vẽ ra hình chữ nhật). Easy Mosaic tự động chọn lựa ảnh phù hợp cho cell. Bạn không nên tạo cell có kích thước quá lớn vì như vậy sẽ giảm độ chính xác và chất lượng ảnh Mosaic.

Bảng thông tin về ảnh cell

Sau khi tạo ảnh Mosaic, bạn vào menu Tools\ Cell Stats để mở cửa sổ cung cấp thông tin về các ảnh cell (hình 5). Bạn nhấn nút Create Detail List để biết vị trí, số lần sử dụng của các ảnh; nhấn nút Create Simple List chỉ cho biết số lần sử dụng; nhấn nút Save to text để lưu lại các thông tin trên thành văn bản.

Mosge010.jpg picture by minah2710
Hình 5

Thiết lập các tùy chọn

Bạn vào menu Tools\ Options để mở cửa sổ Options (hình 6) dùng thiết lập các tùy chọn của chương trình. Một số thiết lập cần lưu ý:

- Trong mục Cell Repeat Control, khi bạn đánh dấu kiểm ở dòng "Ensure Use All Photos", chương trình sẽ cố gắng sử dụng hết tất cả ảnh trong thư viện. Bạn đánh dấu kiểm ở dòng "Limit Repeat Times" để hạn chế số cell sử dụng cùng ảnh không quá trị số trong ô "Max repeat time".

- Trong mục Cell Effect, tăng giá trị Color Enhance (mặc định là 50%) sẽ tăng chất lượng ảnh Mosaic (màu sắc càng giống ảnh chính). Tuy nhiên điều này ít nhiều làm thay đổi màu sắc ảnh cell khác biệt so với nguyên bản. Nếu bạn muốn màu sắc ảnh cell không thay đổi nhiều thì giảm giá trị Color Enhance hoặc tắt nó đi.

- Nếu bạn đánh dấu kiểm ở dòng Crop Cell Image, chương trình sẽ tự động cắt bỏ những phần thừa trong ảnh cell để phù hợp với ảnh chính; còn không thì ảnh cell sẽ được co giãn vừa với kích thước cell.

Mosge012.jpg picture by minah2710
Hình 6

Xuất bản ảnh Mosaic

Sau khi hoàn thành việc tạo ra và sửa chữa ảnh Mosaic, bạn có thể lưu ảnh thành file hoặc in ra giấy.

- Bạn vào menu Project\ Save Picture để lưu ảnh Mosaic dưới định dạng bmp hoặc jpg.

- Để in ảnh, bạn mở cửa sổ Print Mosaic Picture bằng cách vào menu Project\ Print. Trong cửa sổ này, nếu bạn đánh dấu kiểm ở dòng "Fit to Page", chương trình sẽ thay đổi kích thước ảnh Mosaic phù hợp để in ảnh trong 1 trang giấy. Nếu không, Easy Mosaic sẽ in ảnh với kích thước thật. Nếu ảnh Mosaic có kích thước lớn hơn 1 trang giấy, chương trình sẽ in ảnh trong nhiều trang theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải.

Sáng tạo với ảnh Mosaic

Bạn sử dụng ảnh Mosaic như thế nào? Chắc chắn óc sáng tạo của bạn sẽ nảy ra những ý tưởng hay. Sau đây là một số ý tưởng:

- Bạn chọn lựa ảnh chính và ảnh cell có cùng chủ đề. Chẳng hạn ảnh chính là ảnh chung cả gia đình của bạn, tập hợp ảnh cell là ảnh của các thành viên trong gia đình.

- Bạn lựa chọn ảnh chính có tỉ lệ chiều ngang, chiều dọc phù hợp với màn hình máy tính, thiết lập kích thước cell hợp lý để tạo ra wallpaper ấn tượng. Chẳng hạn với màn hình widescreen có độ phân giải 1280 x 800 pixel, bạn có thể chọn ảnh chính có kích thước 320 x 200 pixel, tạo ảnh Mosaic với chiều ngang là 40 cell x 32 pixel, chiều dọc là 40 cell x 20 pixel.

- Sau khi tạo ảnh Mosaic, bạn vào menu Tools\ Cell Stats để xem thông tin về các ảnh cell như vị trí xuất hiện trong ảnh Mosaic, số lần được sử dụng. Bạn không in ảnh Mosaic mà in các ảnh cell cùng với danh sách trên. Như vậy, bạn tạo được trò chơi xếp hình độc đáo. Dựa vào danh sách được cung cấp, người dùng phải sắp xếp các ảnh cell để tạo được hình ảnh cuối cùng.

- Bạn mang ảnh Mosaic ra tiệm để in bằng giấy khổ lớn. Bạn dùng bản in này để làm giấy dán tường hoặc trang trí ngôi nhà của mình.

Bạn cần sử dụng Easy Mosaic nhiều lần để có kinh nghiệm trong việc tạo được ảnh Mosaic đẹp mắt và chất lượng. Chúc bạn có được những tác phẩm nghệ thuật Mosaic ấn tượng với Easy Mosaic!

Ngô Bảo Khoa
PC Tips số 21

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Danh sách bài viết đăng trên PC Tips

Tổng cộng 30 bài. Cập nhật 6/4/2009

Sử dụng nguồn ảnh của Flickr làm screen saver
Tạo trò chơi tìm từ trong ô chữ bằng Excel
Cách cài đặt phần mở rộng không tương thích trong Firefox 3 beta
Sử dụng tùy chọn No to All khi chép file
Mở nhanh Registry Editor từ Firefox và Internet Explorer
Tạo ảnh nghệ thuật Mosaic với Easy Mosaic
Click&Clean
Hiển thị hình ảnh đẹp hơn trong Firefox 3
Mẹo đổi tên file liên tục trong Windows Vista
Click&Clean - Gọi CClean dọn dẹp hệ thống
Wallpaper và screensaver về Olympic Bắc Kinh 2008
Tạo nhạc chuông cho điện thoại di động với Toneshop
Wallpaper cho máy tính Asus Eee PC
Ebook thủ thuật Windows Vista của Microsoft
Link download Google Chrome
Tắt chế độ Hibernate trong Windows XP/Vista
Thay áo mới cho Gmail
Chọn Yahoo Zimbra Desktop hay MS Outlook 2007
Thay đổi số lượng trang web trong Omnibox của Google Chrome
“Khoác áo” Vista cho Google Chrome trong Windows XP
Chống spam mail với Tinymail.me
Chơi game tại www.lusgames.com
Tải ảnh nguyên bản từ Flickr
Tắt chức năng quét file sau khi tải của Firefox 3
Đăng ký nhận miễn phí đĩa CD Ubuntu
Khắc phục lỗi không cài đặt được Adobe Flash Player trong Firefox
Better Cache
Dùng đĩa CD "cứu hộ" để "trị" virus
Làm gì khi Firefox 3 "trở chứng"?
Add-on cho Firefox